Ổ tiêu chảy cấp tại TP HCM
Ổ tiêu chảy ở ô 1.9, ấp 1 cách trụ sở UBND xã Lê Minh Xuân trên đường tỉnh lộ 10 khoảng 2 km và cách đường nhựa khoảng 500 mét đi bộ. Con đường đất đỏ dẫn vào 24 hộ dân đầy sình lầy, bốc mùi hôi thối bởi rác bẩn và nhiều nhà vệ sinh được dựng ngay trên ao hồ.
Bộ trưởng đến thăm gia đình bệnh nhi tử vong do tiêu chảy. Ảnh: Thiên Chương |
Trò chuyện với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nhiều người cho biết họ đã sống với cảnh môi trường kém vệ sinh từ nhiều năm nay. “Nghèo quá không biết làm gì kiếm sống nên phải đào ao thả cá, mua phế phẩm từ các trại giết mổ về cho cá ăn. Chúng tôi đi vệ sinh ở cầu ao nuôi cá”, một hộ dân thừa nhận.
Bà Phạm Thị Linh, người thân của bé trai 10 tháng tuổi tử vong do tiêu chảy hồi cuối tháng 7 cho biết, dù dùng nước sinh hoạt của công ty cấp nước, nhưng do nước chảy rất yếu nên việc tắm giặt hoặc rửa các vật dụng sinh hoạt kể cả bát đĩa cũng lấy từ nguồn nước ao cạnh nhà. “Biết là không sạch nhưng không còn cách nào khác. Mấy chục nhà ở đây ai cũng vậy”, bà Linh nói.
Nhiều gia đình ở khu vực này làm nhà vệ sinh trên ao nuôi cá. Ảnh: Thiên Chương. |
Ngoài lời kể của người dân, cùng với phái đoàn Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM và chính quyền địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã còn chứng kiến cảnh người dân rửa các thùng chứa nước và xoong nồi dưới các ao nước đục ngầu bốc mùi hôi thối. “Phải tìm mọi cách để sớm giải quyết tình trạng này”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Đại diện xã Lê Minh Xuân cho biết, khu dân cư này nằm trong 2 dự án quy hoạch xây dựng nhà ở nhưng dự án treo, kéo dài nhiều năm. Xã đã nhiều lần vận động người dân tháo dỡ cầu tiêu trên ao nhưng một số hộ dùng hết diện tích đất thừa để đào ao nên dựng luôn nhà vệ sinh trên ao hoặc dựng nhà trên ao rồi thiết kế nhà vệ sinh luôn trong nhà.
“Đó là chưa kể các hộ làm chuồng chăn nuôi heo, gà, bồ câu… cũng xả phân xuống ao hoặc mua nội tạng động vật về làm thức ăn cho cá khiến môi trường bị nhiễm bẩn nghiêm trọng”, một cán bộ xã nói.
Xoong nồi được rửa luôn bằng nước múc từ ao có nhà vệ sinh. Ảnh: Thiên Chương |
Chỉ đạo sau khi thị sát, dù được báo cáo tiêu chảy đã không xuất hiện thêm ca bệnh, Bộ trưởng Y tế vẫn nhắc nhở chính quyền địa phương và y tế huyện Bình Chánh phải nhanh chóng thực hiện việc làm sạch môi trường, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đồng thời tuyên truyền cho người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh phòng bệnh.
Trước đó, Sở Y tế TP HCM cũng đã đề nghị UBND huyện Bình Chánh cho tổng vệ sinh toàn khu vực; không khai thác sử dụng thủy sản trong các ao cá thời điểm có dịch tiêu chảy. Các hộ dân cũng được hỗ trợ nước sinh hoạt và hướng đến việc sẽ xây dựng nhà vệ sinh tự hủy.
Giữa tháng 7, vài người dân ở khu vực này bắt đầu xuất hiện tình trạng tiêu chảy. Đến ngày 23/7 đã có 4 người lớn và 3 trẻ em mắc bệnh. Cả ba trẻ đều nhập viện nhưng một em đã tử vong tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Thiên Chương